Đau đầu với bài toán chọn nước mắm cho bữa ăn hàng ngày
Chưa khi nào trên thị trường lại đa dạng sản phẩm nước mắm đóng chai như hiện nay. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là khi sản phẩm càng phong phú thì sự nhập nhằng về tên gọi, chất lượng cũng như thành phần cấu tạo càng trở nên phức tạp.
Hiện nước mắm đa dạng về chủng loại từ loại có hàm lượng đạm cao đến loại có hàm lượng đạm thấp, phong phú về nhãn sản phẩm do có nhiều cơ sở sản xuất ra. Nhưng khi mọi thứ chưa được minh bạch thì người tiêu dùng rõ ràng vẫn phải chịu thiệt hại lớn nhất cả về tài chính lẫn sức khỏe.
‘ Ảnh: VTV News
Hàng loạt các sản phẩm nước mắm đang được doanh nghiệp đánh bóng tên tuổi bằng các ngôn từ hoa mỹ như “nước mắm hảo hạng”, “nước mắm cao cấp” qua các chương trình quảng cáo hay qua các phương tiện truyền thông khác.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, người tiêu dùng tại TP.HCM chia sẻ: “Mình thường lựa chọn loại nước mắm trông đẹp mắt và phải đi với cái họ quảng cáo, cùng với đó là việc nhiều người dùng thì mình cũng cảm thấy an toàn”.
Theo Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, hiện trên thị trường có 2 dòng nước mắm được phân biệt cơ bản là nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống (nước mắm nguyên chất) và loại thứ hai là nước mắm được sản xuất theo phương pháp pha chế công nghiệp. Sự khác biệt của sản phẩm nước mắm pha chế chính là ít mặn và nó chỉ có một phần rất nhỏ nước mắm nguyên chất, còn lại là muối, hương liệu, chất điều vị, chất bảo quản chống nấm mốc.
PGS.TS Đống Thị Ánh Đào, khoa Công nghệ Hóa, ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết: “Nếu dùng nhiều, tích lũy theo thời gian từ nhiều sản phẩm khác nhau kết hợp với việc mỗi ngày, người tiêu dùng ăn rất nhiều món sẽ đưa vào cơ thể những giá trị vượt mức cho phép gây độc mãn tính”.
Theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, độ đạm của nước mắm phải được ghi rõ ràng trên nhãn. Nước mắm đạt chuẩn có 4 loại: 30 độ, 25 độ, 15 độ và thấp nhất là 10 độ đạm. Tuy nhiên, nước mắm công nghiệp, độ đạm lại thể hiện bằng giá trị dinh dưỡng là protein.
Ông Đỗ Hữu Việt, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Nha Trang cho biết: “Nước mắm truyền thống thường sản xuất theo phương pháp 3 cá 1 muối nên thời gian bảo quản rất lâu. Và để càng lâu độ acid amin càng được nâng cao trong quá trình phân hủy. Đây chính là giá trị thực dinh dưỡng của nước mắm truyền thống nhưng người tiêu dùng không hiểu được vấn đề này. Trong khi đó, nước mắm pha chế khiến người tiêu dùng bị đánh lừa cảm giác”.
2 sản phẩm với 2 nguyên lý sản xuất hoàn toàn khác nhau nhưng chúng vẫn được ghi chung với cái tên sản phẩm là "nước mắm" đã gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp sản xuất nước mắm trong nước. So với giá, sản phẩm nước mắm nguyên chất đã không thể cạnh tranh. Đây cũng là nguyên nhân khiến hơn 70% doanh nghiệp nước mắm truyền thống phá sản.
Ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho rằng: “Nếu chúng ta có quy định phù hợp để phân định rõ nước chấm công nghiệp với nước mắm truyền thống thì đã khác. Muốn rõ ràng hơn thì chúng ta phải đứng ở góc độ người tiêu dùng, hội làng nghề. Đó là sự công bằng và trách nhiệm quản lý Nhà nước với nền sản xuất của Việt Nam”.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao nước mắm không đạt chuẩn nhưng vẫn được bán rộng rãi trên thị trường với cái tên là "nước mắm". Đã đến lúc người tiêu dùng cần đặt ra câu hỏi về "nước mắm sạch vì sức khỏe người tiêu dùng" có thực sự đúng với bản chất của nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét